Kính thưa quý Thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến! Cuộc đời, tư tưởng và các tác phẩm của Hồ Chí Minh là mạch nguồn và ánh sáng cho các thế hệ người Việt học tập, tiếp thu, thừa kế, phát triển và nâng cao để đưa đất nước ta vươn lên tầm cao. Đã có rất nhiều hội thảo trong nước và quốc tế về chủ đề Hồ Chí Minh, cho thấy tầm vĩ đại của Bác Hồ. Hôm nay Thư viện Trường THCS Trần Cao Vân xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách có nhan đề "Hồ Chí Minh - mạch nguồn và ánh sáng" là quyển sách chuyên khảo có giá trị, bao gồm những bài nghiên cứu, tham luận khoa học mà PGS, TS. Nguyễn Thanh Tú đã trình bày tại các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế trong những năm gần đây. Sách dày 252 trang, in trên khổ 21cm, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2021.
Các bài viết trong quyển sách nói đến rất nhiều chủ đề khác nhau về tư tưởng, tài năng xuất chúng của Bác Hồ vĩ đại: quan niệm mỹ học về cái đẹp; sự thống nhất nghệ sĩ - chiến sĩ; những tư chất nghệ sĩ của Bác Hồ; một nhà khoa học, một người dân thường, một chính khách; tài năng về lý luận, phê bình văn học…
Trong bài viết Hồ Chí Minh và một quan niệm mỹ học về cái đẹp, tác giả cho rằng mỗi nghệ sĩ lớn có một quan niệm mỹ học riêng và ở Bác, điều này càng rõ. Một lần, nhạc sĩ Đỗ Nhuận băn khoăn hỏi Bác thế nào là tác phẩm có tính dân tộc mà vẫn hiện đại, Bác nói luôn đó là những sáng tác được mọi tầng lớp nhân dân thích. Chỉ câu nói đơn giản, ngắn gọn nhưng đúng và đầy đủ về bản chất của nghệ thuật: nhân dân là đối tượng tiếp nhận nghệ thuật trí tuệ, tinh tế nhất. Thời ở Việt Bắc, Bác tự tay thiết kế nơi ở, nơi làm việc của Bác. Người đào đất thành cái hồ, lấy nhũ đá xếp thành hòn non bộ có hang, khe, đỉnh, có vách đá cheo leo, thiết kế một cái cầu gỗ bắc ngang, xung quanh hồ lại trồng cây, cỏ trông như bức tranh sơn thủy hữu tình. Thêm một con cò lửa được đẽo bằng đá gan gà, đang vươn cổ nhìn xuống hồ như đang rình bắt cá, tép; một chiếc thuyền nhỏ bồng bềnh trôi… Bác từng làm nghề thợ ảnh, vẽ truyền thần… Bác cũng là họa sĩ đích thực, là bạn thân của họa sĩ lừng danh thế giới Picasso. Danh họa Picasso từng nói rằng nếu Bác tiếp tục con đường hội họa thì có thể sẽ trở thành một danh họa. Một lần khác, Bác lại thân ái phê bình nhà thơ Việt Phương “không có trận đánh đẫm máu nào “đẹp” cả, cho dầu thắng lớn”.
Trong bài viết Hồ Chí Minh - một nhà khoa học, một người dân thường, một chính khách, tác giả lại đưa ra nhiều dẫn chứng về một phong cách độc đáo, một “đẳng cấp” trên nhiều lĩnh vực của Hồ Chí Minh. Bác là một nhà khoa học có trí nhớ siêu việt, tinh thần kiên trì, vượt khó. Một số trường đại học lớn của Ấn Độ, Indonesia, Myanmar đã trao tặng Bác Hồ bằng Tiến sĩ Danh dự. Trí nhớ siêu phàm cùng với kiến thức sâu rộng, lý luận sắc bén đã giúp Bác viết nên tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) với những con số, những sự kiện, những chi tiết được cấu trúc cực kỳ khoa học, có sức chinh phục rất lớn. Dù xa nước nhiều năm, Bác vẫn nhớ rõ Kiều cũng như văn hóa từng địa phương, vùng miền, Bác vẫn thường lẩy Kiều khi nói chuyện với anh em.
Tuy là một nhà khoa học lớn, nhưng Bác luôn sống giản dị và hòa nhập rất nhanh với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Bác biết rất nhiều nghề, từ nghề khuân vác cho đến nghề thầy cúng. Đầu năm 1929, Từ U Đon, Nguyễn Ái Quốc đến Sacôn (Thái Lan) cùng ăn ở với kiều bào Việt Nam. Tại đây, Người viết nhiều vở kịch về đề tài lịch sử, bày cho bà con cách diễn kịch và đôi khi cũng tham gia diễn, lại tranh thủ học thêm nghề thuốc tại hiệu thuốc của ông Đặng Văn Cáp. Thỉnh thoáng, Nguyễn Ái Quốc lại cùng với một số cán bộ khăn gói tay đẫy đi buôn để gây quỹ cho tổ chức. Lúc này, Hồ Chí Minh lại là một nghệ sĩ, một đạo diễn, một thầy thuốc, và cả là một nhà buôn.
Không chỉ là một nhà khoa học đa lĩnh vực, một người dân thường hòa nhập vào cuộc sống mọi tầng lớp, Hồ Chí Minh còn là một nhà chính khách sắc sảo. Người luôn có cách tư duy phản đề rất độc đáo, tức là luôn đặt ngược lại vấn đề để bàn luận. Một phóng viên nước ngoài đã hỏi Bác một cách “móc máy”: “Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basques), người Brơtôn (Breton) không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?”
Một người phản biện đòi hỏi phải có vốn hiểu biết sâu rộng, ứng đối sắc sảo, nhanh nhẹn, thông minh, dí dỏm. Bác là một người như vậy. Một phóng viên khác lại hỏi Bác: “Thế sao Cụ không tự chỉ định Cụ ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?”. Bác ứng khẩu ngay: “Vì tôi không muốn làm như vua Lu - i thập tứ”. Vua Lu - i thập tứ (1643 - 1715) được mệnh danh là vị vua độc tài nổi tiếng trong lịch sử Pháp. Nước ta vừa giành độc lập sau 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, vì vậy câu trả lời của Bác vừa thể hiện sự am hiểu lịch sử, văn hóa Pháp, đồng thời lại đã đá xoáy thẳng vào người Pháp: cha ông các người đã từng độc đoán chuyên quyền, còn tôi - Hồ Chí Minh thì không thể, tất cả mọi việc tôi làm đều vì quyền lợi của nhân dân.
1. NGUYỄN THANH TÚ Hồ Chí Minh - Mạch nguồn và ánh sáng/ Nguyễn Thanh Tú.- H.: Quân đội nhân dân, 2021.- 252 tr.; 21 cm. ISBN: 97860451728722 Tóm tắt: Trình bày một số quan điểm, tư tưởng, nhân cách cao đẹp Hồ Chí Minh và phân tích những giá trị văn hoá, đạo hiếu, đạo lý, ngôn ngữ, giá trị hạnh phúc trong tư tưởng của Người. Chỉ số phân loại: 335.4346 NTT.HC 2021 Số ĐKCB: TK.002780, |
Đọc quyển sách Hồ Chí Minh - mạch nguồn và ánh sáng, độc giả sẽ được tìm hiểu thêm rất nhiều khía cạnh khác về cuộc đời vĩ đại, tài năng xuất chúng, tư tưởng, quý báu, đi trước thời đại, và những tác phẩm để đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quyển sách chuyên khảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên Hồ Chí Minh - mạch nguồn và ánh sáng đang được trưng bày tại Thự viện Trường THCS Trần Cao Vân, kính mời quý độc giả đến tham quan và tìm đọc quyển sách./.
Người giới thiệu
Trần Thị Mỹ Ngân